LAMER FASHION - TẤM LÒNG NGƯỜI THỢ MAY
Th 6 21/06/2019
3 phút đọc
Nội dung bài viết
Cuộc sống luôn đầy ắp những câu chuyện với góc nhìn đa chiều về con người và nghề nghiệp. Lamer Fashion không chỉ là câu chuyện về một thương hiệu thời trang công sở, mà còn là nơi những người thợ may của chúng tôi gửi gắm cả cái tâm, cái hồn của mình vào từng bộ trang phục.
Nghề may - tưởng chừng đơn giản và nhàm chán như những vòng quay của các trục chỉ, núm xoay, bàn đạp… Ấy thế mà có người học cả đời cũng không thành được thợ may giỏi. Phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ thế nào để khi may không bị rối chỉ, đứt chỉ, các đường may đều đẹp, thẳng tắp, điều chỉnh cần vặn thế nào để lại mũi may cho chắc chỉ… Tất cả đều phải đạt đến sự chính xác, hoàn hảo trên từng milimet vải. Có thể nói, nghề may cũng cần phải có đôi chút năng khiếu nữa. Đừng nói nghề này dễ, nghề kia khó, người không có tâm thì làm gì cũng hời hợt, người có tâm thì làm gì cũng phải chăm chút từng li từng tí cho được mới thôi.
Nói gì thì nói, dù làm bất cứ nghề gì cũng cần phải có một sự đam mê và niềm yêu thích nhất định. Danh ngôn có câu “Khi làm công việc yêu thích thì bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào”. Thợ may tại xưởng của Lamer Fashion chính là những con người như vậy. Đối với họ, nghề may không chỉ là miếng cơm manh áo, mà còn là niềm khát khao tạo ra những chiếc áo, bộ đầm để làm đẹp cho người khác. Còn được làm may là họ còn cảm thấy vui vẻ. Những khuôn mặt hiển hiện hai chữ “hạnh phúc” đem lại một cảm giác thật dễ chịu cho bất kỳ ai khi nhìn vào.
Chính nhờ sự cẩn thận, tỉ mỉ cùng với cái tâm làm nghề, những người thợ may tại xưởng của chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Họ sống một cuộc sống yên bình, giản dị, không có bon chen, ganh đua. Khi cặm cụi bên chiếc máy may, họ là những người thợ cần mẫn, chăm chỉ, thạo nghề; khi dừng bàn đạp, họ là những người bạn cùng nhau tâm sự, sẻ chia mọi điều trong cuộc sống. Ai nói rằng thợ may thì chỉ biết may, cuộc sống nhàm chán, vô vị? Họ cũng trò chuyện với nhau về World Cup, về ASIAD, cũng có “pạt-ty” và karaoke hàng tuần, hàng tháng. Chị Lộc, người chị mẫu mực của xưởng may đã nói rằng: “Công việc không chỉ là làm tốt chuyên môn mà còn là sự giao tiếp, kết nối giữa con người với con người nữa. Khi mình có cái tâm sáng, mình học cách cho đi, yêu thương và cảm thông, cuộc đời mình sẽ bình an lắm.”